Mã số mã vạch là gì?
Mã số mã vạch hiện là một trong những công cụ không thể thiếu trong quản lý hàng hóa, dữ liệu. Đi mua sắm ở siêu thị, trung tâm thương mại.. người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy trên các sản phẩm đều có in mã số mã vạch. Vậy mã số mã vạch là gì?
Mã số mã vạch là gì?
Mã số mã vạch là một trong các công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động các đối tượng là sản phẩm, dịch vụ, tổ chức hoặc địa điểm… dựa trên việc ấn định một mã số (hoặc chữ số) cho đối tượng cần phân định và thể hiện mã đó dưới dạng mã vạch để thiết bị (máy quét) có thể đọc được.
Mã vạch là một dãy các vạch và khoảng trống song song xen kẽ được sắp xếp theo một qui tắc mã hóa nhất định để thể hiện mã số (hoặc các dữ liệu gồm cả chữ và số) dưới dạng máy quét có thể đọc được.
Bên dưới mã vạch là dãy mã số tương ứng.
MSMV được in trực tiếp lên đối tượng cần quản lý như thương phẩm, vật phẩm, các thùng hàng để giao nhận/ vận chuyển.
Các loại Mã số mã vạch GS1:
Các loại mã số GS1 gồm:
– Mã địa điểm toàn cầu GLN;
– Mã thương phẩm toàn cầu GTIN;
– Mã container vận chuyển theo series SSCC;
– Mã toàn cầu phân định tài sản GRAI & GIAI;
– Mã toàn cầu phân định quan hệ dịch vụ GSRN;
– Mã toàn cầu phân định loại tài liệu GDTI ;
Các loại mã vạch thể hiện các loại mã số GS1 gồm:
– Mã vạch thể hiện mã số thương phẩm toàn cầu: EAN 8, EAN 13, ITF 14;
– Mã vạch thể hiện các loại mã số khác là mã vạch GS1-128;
– Ngoài ra còn có mã giảm diện tích: databar, mã QR…
Mỗi loại MSMV được thiết kế chỉ để ứng dụng cho một đối tượng đặc thù nên không thể thống nhất thành một được.
Cách đọc mã số mã vạch theo chuẩn GS1:
Cách đọc mã số: Cấu trúc của mã số thương phẩm toàn cầu loại thông dụng nhất hiện nay tại Việt Nam là mã GTIN 13 gồm 13 chữ số. Khi đọc mã số này chúng ta đọc từ trái sang phải theo thứ tự sau:
– Ba chữ số đầu tiên 893 thể hiện Mã quốc gia GS1 do Tổ chức GS1 quản trị và cấp cho Việt Nam;
– Bốn, năm, sáu hoặc bảy chữ số tiếp theo thể hiện Số phân định doanh nghiệp do GS1 Việt Nam quản trị và cấp cho tổ chức sử dụng mã số GS1;
– Năm hoặc bốn hoặc ba hoặc hai chữ số tiếp theo thể hiện Số phân định vật phẩm do tổ chức sử dụng mã số GS1 quản trị và cấp cho các vật phẩm của mình;
– Chữ số cuối cùng thể hiện Số kiểm tra (được tính từ mười hai chữ số đứng trước theo thuật toán xác định của GS1).
Cách đọc mã vạch: Dùng máy quét mã vạch barcode, QR code. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng quét mã vạch sử dụng trên các thiết bị di động. Một số mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber cũng tích hợp tính năng quét mã QR ngay trên ứng dụng.
Mã số mã vạch có làm giả được không?
Như đã nêu định nghĩa về mã số mã vạch, đó là một dãy các vạch và khoảng trống song song xen kẽ được sắp xếp theo một qui tắc mã hóa nhất định để thể hiện mã số (hoặc các dữ liệu gồm cả chữ và số), việc thiết kế và in ấn mã vạch rất đơn giản, chỉ cần có phần mềm thiết kế mã vạch là các bên in ấn thiết kế bao bì nhãn mác sản phẩm đều có thể in được mã vạch. Chính vì thế, hiện nay việc làm giả mã số mã vạch vẫn còn diễn ra dưới các hình thức như: tự ý lấy 1 mã số mã vạch của 1 doanh nghiệp khác để in lên sản phẩm của mình, tự nghĩ ra 1 mã số mã vạch và in trên sản phẩm lưu hành trên thị trường…
Làm giả mã số mã vạch có vi phạm pháp luật không?
Việc sử dụng mã số mã vạch trái phép sẽ bị xử lý theo quy định của Nhà nước ( Điều 26, 27 – Mục 3 –Nghị định 54/2009/NĐ-CP ban hành ngày 5/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Làm giả mã số mã vạch bị phạt như thế nào?
Mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định sử dụng mã số mã vạch:
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch hoặc Giấy chứng nhận sử dụng mã số mã vạch bị mất hoặc hỏng;
Không gửi danh mục các Mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN) và Mã số địa điểm toàn cầu (GLN) được sử dụng cho cơ quan quản lý nhà nước về mã số mã vạch có thẩm quyền;
Không thông báo bằng văn bản, kèm tài liệu chứng minh việc được sử dụng mã số nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền khi sử dụng mã số nước ngoài cho sản phẩm, hàng hoá sản xuất tại Việt Nam.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;
Sử dụng trái phép mã số mã vạch của doanh nghiệp khác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch; Sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số, mã vạch.
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Mã nước ngoài để in lên sản phẩm, hàng hoá sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích chỉ để xuất khẩu mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hoặc không được tổ chức nước ngoài là chủ sở hữu cho phép.
Đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng giấy chứng nhận, cấp giấy chứng nhận mã số mã vạch: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Giả mạo Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch không đúng thẩm quyền.