Giải pháp chống hàng giả trên nền tảng số

Hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng chống hàng giả” do Cục sở hữu trí tuệ - VPĐD tại TPHCM, Hội sáng chế Việt Nam, Công ty Vina CHG và Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam (chg.vn) phối hợp tổ chức nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp khi vừa ứng dụng chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, vừa ngăn chặn được hàng giả, bảo vệ được các quyền sở hữu trí tuệ của mình trên nền tảng số, đặc biệt là TMĐT.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam khẳng định chuyển đổi số là xu hướng, nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên vấn nạn hàng giả trên không gian mạng hiện đang là vấn đề nhức nhối, công tác chống hàng giả, chống xâm phạm quyền SHTT trên internet gặp nhiều khó khăn khi thực thi.

Cần ứng dụng giải pháp chống hàng giả trên nền tảng số
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó chủ tịch hội sáng chế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Bình cho biết, Việt Nam hiện đang là một trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy nền kinh tế số tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Trong năm 2021, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử (TMĐ) của Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2020). Dự báo của năm 2022 sẽ còn tăng cao hơn nữa.

“Thương mại điện tử giúp nhà sản xuất phát triển thị phần hiệu quả hơn, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận sản phẩm trong và ngoài nước theo nhu cầu. Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của TMĐT thì tình trạng làm hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền SHTT trên Internet là vấn đề nhức nhối và rất khó thực thi. Ghi nhận, có tình trạng làm trang web giả, quảng cáo đúng nhưng khi bán lại là mặt hàng kém về mẫu mã, chất lượng”, ông Bình cho biết.

Cùng nhìn nhận về thực trạng chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử, ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM cũng thừa nhận, hiện công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều cam go do website giả, sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội Facebook, Zalo… bán hàng thật chung với cả hàng giả.

Cần ứng dụng giải pháp chống hàng giả trên nền tảng số
Ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM phát biểu tại Hội thảo.

Ông Khuê cho biết, tuy hiện nay về quy định pháp luật đã có gần như đầy đủ các quy định pháp luật, mức xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái mạnh hơn nhưng vẫn còn chưa đủ tính răn đe cho lợi nhuận của các đối tượng vi phạm là rất lớn.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại Cục Sở hữu trí tuệ cho biết hình thức kinh doanh trên nền tảng internet là xu hướng tất yếu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Lê Huy Anh cho rằng, cả phía cơ quan chức năng và các doanh nghiệp chủ sàn TMĐT đều cần phải tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ, có công cụ hiệu quả giúp rà soát đầu vào của các sản phẩm khi đưa lên sàn, từ đó nhanh chóng gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ra khỏi các sàn thương mại điện tử của mình.

Hiện nay, nhiều đơn vị đã xây dựng hệ sinh thái công nghệ về chống hàng giả để doanh nghiệp có thể ứng dụng như tích hợp các công nghệ chống giả trên tem – bao bì; mã QR code và SMS (cấp mã QR in trên bao bì, tem chống giả); chống sao chép, làm giả/nhái sản phẩm… Theo Đại diện Công ty Vina CHG, các công nghệ từ những hệ sinh thái này sẽ giúp truy xuất và chống giả hiệu quả. Điều này giúp truy vết thông tin, kiểm soát đường đi của hàng hóa giúp chống giả hiệu quả hơn. Ngoài ra, hệ thống chạy trên điện toán đám mây, nên tra cứu thông tin và giám sát từ xa một cách dễ dàng.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả. Nhức nhối trước nạn hàng giả phát triển trên không gian mạng, nhiều đơn vị áp dụng phần mềm để quản lý và cùng lực lượng chức năng truy quét. Tuy nhiên hiện quả vẫn chưa thật sự như mong muốn.

Chia sẻ trăn trở của doanh nghiệp bị làm hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG cho hay, đơn vị có sản xuất tem chống hàng giả để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm, đồng thời giúp cơ quan chức năng điều tra hàng giả nhanh hơn.

Cần ứng dụng giải pháp chống hàng giả trên nền tảng số
Ông Nguyễn Viết Hồng – TGĐ Vina CHG chia sẻ về các giải pháp chống hàng giả các doanh nghiệp nên áp dụng trong công tác bảo vệ thương hiệu trên nền tảng số tại Hội thảo.

Theo ông Hồng, các doanh nghiệp nên có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái công nghệ về chống hàng giả, ứng dụng như tích hợp các công nghệ chống giả trên tem – bao bì; sử dụng mã QR code và SMS (cấp mã QR in trên bao bì, tem chống giả) để truy vết nguồn gốc sản phẩm, xác thực hàng chính hãng, chống sao chép, làm giả/nhái sản phẩm, kiểm soát sản phẩm khi đưa lên kinh doanh thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

“Hiện nay tình trạng làm giả bao bì sản phẩm của các đối tượng rất tinh vi, nhưng để tìm ra người làm giả bao bì rất khó. Có nhiều vụ vi phạm khi đã tìm được người làm giả bao bì thì lại quá thời gian xử lý điều tra. Vì vậy, sắp tới Vina CHG ra mắt sản phẩm chống giả trên bao bì để giải quyết vấn đề này vừa giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Hồng chia sẻ.

Phát biểu tại chỉ đạo hội thảo, ông Đặng Văn Dũng – Phó Chánh văn phòng – Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, công tác chống hàng giả, hàng nhái; bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế và chuyển hướng theo xu hướng chung của toán cầu là kinh tế số, việc đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền của các chủ thể doanh nghiệp, chống sao chép nhãn hiệu… trên không gian mạng là vô cùng bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Cần ứng dụng giải pháp chống hàng giả trên nền tảng số
Ông Đặng Văn Dũng – Phó Chánh văn phòng – Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

Ông Dũng cho biết, do các hoạt động kinh doanh thực hiện trên môi trường internet, việc kiểm tra, xác minh cũng như xử lý các trường hợp vi phạm trên nền tảng internet hiện gặp nhiều khó khăn, công tác kiểm tra, xác minh và xử lý tốn rất nhiều công sức của cơ quan quản lý.

Trong thời gian qua, việc tăng cường quản lý, chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số đã và đang được các lực lượng chức năng đầu tư, chú trọng rất nhiều, đặc biệt tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tuyên truyền các tác hại của hàng giả để người dân tích cực tố giác các hành vi gian lận buôn bán hàng giả.

Ông Dũng đề nghị doanh nghiệp quan tâm hơn trong việc phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời thông tin về các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả để có các hướng dẫn xử lý, ngăn chặn hàng giả kịp thời, răn đe tránh các đối tượng tái phạm. Điều này thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vina
Địa chỉ: 524/3 Hà Huy Giáp, Phường Thạnh Lộc, Quận 12, TP. HCM.
Điện thoại: (028) 73098389
Hotline/Zalo: 091 994 8389
Email: lienhe@vinachg.vn

Rate this post
You might also like
Contact Me on Zalo